Tạo chính sách cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển

Ngày 31/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Dự án EU-MUTRAP tổ chức hội thảo "Khuyến nghị chính sách quản lý và phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam". Hội thảo nhằm trưng cầu ý kiến của các chuyên gia, các nhà sản xuất, doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp hữu cơ để hoàn thiện, xây dựng Nghị định về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trước khi gửi các bộ, ngành lấy ý kiến trình Chính phủ phê duyệt.

Toàn cảnh Hội thảo "Khuyến nghị chính sách quản lý và phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam". (Ảnh: nhandan.com.vn)

 

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung vào việc rà soát, sửa đổi tiêu chuẩn TCVN 11041:2005 về hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, và một số nội dung khác như: quy hoạch và bảo vệ đất đai, nguồn nước hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm và còn thích hợp cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng hàng hoá. 
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề cập đến vấn đề quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh và chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giúp người tiêu thụ an tâm khi sử dụng, đảm bảo an toàn, chất lượng, được chứng nhận và cam kết truy xuất được nguồn gốc. 
Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm hữu cơ, đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ, phân sinh học, vi sinh, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học; xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm hữu cơ Việt Nam. 
Ông Nghiêm Xuân Hồng, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, các hiệp ước quốc tế khác không có các quy định đặc thù cho sản phẩm hữu cơ. Vì vậy, cần xây dựng Bộ Tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam mới cao, tương đương với tiêu chuẩn CODEX - GL32-1999, có tham khảo tiêu chuẩn IFOAM để đảm bảo tính hội nhập thị trường quốc tế. 
Về chính sách, ông Hồng cho rằng cần đầu tư cho nghiên cứu khoa học kỹ thuật, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp Hợp tác xã hữu cơ, hỗ trợ trực tiếp cho các tổ hợp tác, hợp tác xã có nhu cầu chuyển đổi sang nông nghiệp hữu cơ trong giai đoạn chuyển đổi. Đặc biệt về đất đai, đào tạo và vay vốn cho các tổ hợp tác, hợp tác xã. 
Ông Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và thực phẩm cho rằng, trước mắt cần tập trung giải quyết một số nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước và hoàn thiện chính sách, pháp luật thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ. 
Cụ thể, ban hành và thực hiện chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, ưu đãi trong giao và cho thuê đất và miễn giảm thuế thu nhập cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ. 
Đồng thời, quy định pháp luật về quản lý sản xuất, chứng nhận, dãn nhán... sản phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ của Việt Nam vừa phải đảm bảo các nguyên tắc của nông nghiệp hữu cơ, có tính khả thi và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, vừa phải hài hoà với quy định của các nước trên thế giới và khu vực... 
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, thời gian qua, diện tích nuôi trồng hữu cơ của nước ta ngày càng tăng đáng kể. Cụ thể, diện tích nuôi trồng hữu cơ năm 2015 đạt khoảng 76.000 ha, tăng trên 3,6 lần so với năm 2010. 
Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đã nỗ lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu với các mặt hàng chính: chè và các loại rau củ quả. 
Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay cũng đang xuất hiện nhiều loại sản phẩm đóng nhãn mác thực phẩm hữu cơ, nhưng chưa thực sự phù hợp với tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, không đáp ứng các yêu cầu an toàn thực phẩm khiến cho tâm lý người tiêu dùng hoang mang, thiếu tin tưởng vào chất lượng các loại thực phẩm hữu cơ lưu thông trên thị trường. 
Vì thế việc lấy ý kiến chia sẻ thông tin về quản lý nông nghiệp hữu cơ để xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật thực sự là cần thiết, tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam đúng hướng, tạo niềm tin cho người sản xuất, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng./. 

TTXVN

(Cổng Bộ NN&PTNT)